Làm thế nào để rèn luyện kỹ năng trả lời phỏng vấn?
Phương cách này sẽ giúp bạn “lấy nhịp” để cuộc phỏng vấn có thể trở thành một cuộc trao đổi thú vị uyển chuyển như giữa hai người bạn – cũng là lúc bạn gây được thiện cảm với người đối diện.
Không ít các bạn trẻ luôn lo lắng trước mỗi kì phỏng vấn tuyển dụng. Bên cạnh đó, không hiếm chuyên viên nhân sự phải quan ngại trước những câu trả lời phỏng vấn của các ứng viên dù bản CV hay lý lịch được chăm chút rất tốt. Thực tế, trước khi thực sự bước vào một cuộc phỏng vấn cho công việc mà bạn đã luôn mong ước, bạn có thể tự rèn luyện cho bản thân thông qua các hoạt động ngoại khóa hoặc tình nguyện.
Đi tìm “người hỏi”
Ngày nay, các tổ chức phi chính phủ / phi lợi nhuận; hoặc câu lạc bộ / đội nhóm đều có nhu cầu tuyển dụng một số lượng lớn tình nguyện viên có chất lượng. Cơ cấu tổ chức với ban nhân sự chuyên biệt sẽ chịu trách nhiệm cho công tác này, hoàn toàn không quá khác biệt với các công ty với nhiều quy mô khác nhau. Vì vậy, quy trình tuyển chọn cũng khá bài bản và hệ thống rõ ràng với các tiêu chí riêng biệt.
Bằng việc tiếp cận với các bạn đồng trang lứa đã và đang tham gia các tổ chức tương tự, bạn có thể hình dung sơ lược về phương thức phỏng vấn và học được kinh nghiệm từ các mùa tuyển thành viên đã qua. Tốt hơn nữa, chủ động tìm gặp chính những cá nhân đã từng tham gia phỏng vấn trước đây sẽ cho bạn thông tin quý giá. Vì đa số họ đều bằng tuổi hoặc chỉ lớn hơn bạn 2 – 4 tuổi, nên bạn sẽ không quá “khớp” khi bắt đầu câu chuyện.
Bí quyết chuẩn bị câu trả lời tốt
Câu hỏi phỏng vấn luôn nhằm mục đích giải đáp thắc mắc về những điểm chưa cụ thể trong hồ sơ ứng viên. Thông thường, đây là dịp để bạn chia sẻ những chi tiết về những kinh nghiệm thực tế của bản thân. Bạn nên chú trọng mô tả chính xác công việc mà bạn đã làm bằng câu kể mang tính khẳng định “tôi đã…” thay vì “chúng tôi đã…”. Việc trả lời tự tin bằng cấu trúc câu này thể hiện mức độ bạn thực sự hiểu bản chất công việc mình đã từng làm qua, nhất là khi kết quả cuối cùng tương ứng với sự đóng góp của cả một tập thể. Bên cạnh đó, khi bạn khả năng trình bày từng bước trong cả một chu trình để rút ra được bài học cho chính mình, bạn đã thực sự “ghi điểm” trong mắt bất cứ người phỏng vấn nào.
Khi vào đến vòng phỏng vấn, thường sẽ có một người hỏi nhưng cũng có trường hợp thêm vào người chịu trách nhiệm ghi chú thông tin câu trả lời. Thay vì lo lắng dẫn đến việc lung túng không thể sắp xếp được ý tưởng, một gợi ý cho bạn là hãy chủ động xác nhận người nghe có hiểu rõ ý bạn đang nói gì, vd “Em trả lời như thế đã đủ rõ ràng với anh/chị chưa ạ?” Phương cách này sẽ giúp bạn “lấy nhịp” để cuộc phỏng vấn có thể trở thành một cuộc trao đổi thú vị uyển chuyển như giữa hai người bạn – cũng là lúc bạn gây được thiện cảm với người đối diện.
Đừng ngại hỏi ý kiến phản hồi
Sau khi kết thúc cuộc phỏng vấn, hoặc đã nhận kết quả chính thức, bạn hoàn toàn có thể hỏi ý kiến phản hồi để thu nhặt thêm kinh nghiệm trả lời phỏng vấn. Đừng ngại hồi đáp bằng một lời cảm ơn chân thành kèm theo lời đề nghị cho thấy tinh thần cầu thị học hỏi.
Bất cứ ai cũng từng trải qua tình huống “thành công bị trì hoãn”, điều quan trọng là bạn nhận được nhận xét chuyên môn, dù ít hay nhiều để khắc phục điểm chưa tốt hay phát huy ưu điểm mà bạn đã sở hữu.
Leave a Reply