Năm bí quyết tìm việc đơn giản mà cực hiệu quả

Tôi cố gắng chu toàn mọi công việc được giao. Kết quả là tôi đã lấy thêm bằng cấp và trở thành nhân viên chính ngạch của cơ sở này”.

AI LÀ người nhận được công việc tốt nhất? Phải chăng lúc nào cũng là người có nhiều khả năng nhất? Ông Brian, một chuyên viên tư vấn việc làm, cho biết: “Không hẳn vậy. Thường người nhận công việc đó là người biết cách tìm việc hữu hiệu nhất”. Bạn có thể làm gì để hữu hiệu hơn khi tìm việc? Chúng ta hãy xem năm đề nghị sau.

Tìm việc cách có hệ thống

Nếu bị mất một việc làm tốt hoặc thất nghiệp lâu ngày, chúng ta rất dễ nản lòng. Cô Katharina, một thợ may ở Đức, nói: “Khi mới bị mất việc, tôi vẫn lạc quan là sẽ tìm được việc khác, nhưng rồi hết tháng này đến tháng khác chậm chạp trôi qua mà vẫn chưa tìm được việc, tôi bắt đầu nản chí. Tôi thậm chí cảm thấy ngại nói tới chuyện đó với bạn bè”.

Làm thế nào đương đầu với cảm giác nản chí đó? Cuốn Get a Job in 30 Days or Less (Tìm việc trong vòng 30 ngày) viết: “Điều rất quan trọng là tự lập thời khóa biểu riêng cho ‘mỗi ngày làm việc’ để khi bắt đầu mỗi ngày, bạn biết mình phải làm gì”. Các tác giả của cuốn sách trên đề nghị bạn “đặt mục tiêu cho mỗi ngày và ghi lại những gì mình đã làm được”. Họ nói thêm: “Bạn phải bắt đầu mỗi ngày bằng việc ăn mặc như đi làm”. Tại sao? “Việc ăn mặc chỉnh tề sẽ giúp bạn thêm tự tin ngay cả khi nói chuyện qua điện thoại”.

Vâng, bạn phải xem chuyện đi kiếm việc là công việc của bạn, dù nó kéo dài bao lâu chăng nữa. Cô Katharina, được nói đến ở trên, đã vận dụng phương pháp có hệ thống này. Cô nói: “Tôi lấy địa chỉ và số điện thoại của những công ty cần tuyển người từ các văn phòng giới thiệu việc làm, liên hệ với những công ty đăng tin tuyển dụng trên báo. Tôi tra niên giám điện thoại và lập một danh sách những công ty có thể cần người nhưng chưa đăng tin trên báo, rồi liên hệ với họ. Tôi cũng làm lý lịch để gửi đến các công ty này”. Sau những đợt tìm kiếm có hệ thống như thế, cô Katharina đã tìm được công việc thích hợp.

Tìm thông tin về những việc làm không được quảng cáo

Người đánh cá có lưới lớn nhất rất có thể là người sẽ đánh được nhiều cá nhất. Cũng vậy, nếu biết cách nới rộng “lưới” của mình, bạn sẽ có nhiều cơ hội “bắt được” việc làm hơn. Nếu chỉ tìm việc quảng cáo trên báo hoặc Internet, phần lớn công việc không được quảng cáo ở đó có lẽ sẽ tuột qua khỏi “lưới” bạn. Khá nhiều công việc không bao giờ được quảng cáo. Làm thế nào để tìm thông tin về những việc làm không được quảng cáo này?

Ngoài việc liên hệ với những nơi có quảng cáo, giống như cô Katharina bạn phải dành thời gian mỗi tuần để liên hệ với những doanh nghiệp mà bạn nghĩ có thể có việc cho bạn. Đừng đợi đến khi họ đăng quảng cáo. Nếu người quản lý trả lời là không có việc, hãy hỏi ông có biết nơi nào khác có thể đang cần người không và phải tiếp xúc với ai. Nếu ông giới thiệu một công ty khác, hãy xin một cuộc hẹn với công ty đó và nhớ nêu tên người giới thiệu.

Anh Tony, được đề cập trong bài trước, đã tìm được việc qua cách đó. Anh giải thích: “Tôi chủ động liên hệ với các công ty ngay dù họ không đăng quảng cáo. Một công ty trả lời rằng hiện họ không cần tuyển người nhưng tôi có thể trở lại trong ba tháng nữa. Tôi đã làm thế và tìm được việc”.

Chị Primrose, một người mẹ đơn thân ở Nam Phi, cũng làm như thế. Chị nói: “Trong khi theo học một khóa sơ cứu, tôi để ý thấy một tòa nhà đang được xây dựng bên kia đường và được biết là người ta sẽ mở nhà dưỡng lão tại đó. Tôi tìm cách liên hệ với người quản lý cơ sở này nhiều lần. Cuối cùng ông cho tôi biết lúc đó chưa có việc. Tuy nhiên, tôi tiếp tục trở lại hỏi thăm, thậm chí xin làm tình nguyện. Sau cùng, tôi cũng được ký hợp đồng làm việc có thời hạn. Tôi cố gắng chu toàn mọi công việc được giao. Kết quả là tôi đã lấy thêm bằng cấp và trở thành nhân viên chính ngạch của cơ sở này”.

Bạn cũng có thể hỏi thăm bạn bè, người thân và những người quen biết khác để biết thông tin về những việc làm không được quảng cáo. Đó là cách anh Jacobus, một nhân viên phụ trách an toàn ở Nam Phi, đã kiếm được việc. Anh kể: “Khi công ty cũ đóng cửa, tôi cho bạn bè và người thân biết là tôi đang kiếm việc làm. Một hôm trong khi xếp hàng ở siêu thị, anh bạn tôi nghe lóm được một cuộc trò chuyện. Một phụ nữ hỏi một phụ nữ khác có biết người nào đang tìm việc không. Bạn tôi liền ngắt lời họ và nói với bà ta về tôi. Thế là một cuộc hẹn được sắp đặt và tôi có việc làm”.

Hãy linh động

Để có nhiều cơ hội tìm được việc, bạn phải linh động. Anh Jaime, được nói đến trong bài trước, nhận xét: “Khó mà tìm được một việc hoàn toàn như ý bạn mong muốn. Bạn cần tập bằng lòng với công việc ít lý tưởng hơn”.

Linh động cũng có nghĩa là vượt qua thành kiến về một số công việc. Hãy xem trường hợp của chị Ericka sống ở Mexico. Tuy được đào tạo để làm thư ký hành chánh, nhưng lúc đầu chị không tìm được công việc mình thích. Chị tâm sự: “Tôi đã tập chấp nhận bất cứ công việc nào thích hợp. Có thời gian tôi phụ bán hàng. Tôi còn bán bánh taco ngoài đường và nhận làm việc nhà. Cuối cùng tôi đã có thể tìm được việc làm đúng chuyên ngành của mình”.

Khi chị Mary, được đề cập trong bài trước, bị mất việc thư ký, chị cũng nhận ra mình cần linh động. Chị giải thích: “Tôi không cứng nhắc, chỉ tìm loại công việc mình đã làm. Tôi theo đuổi từng cơ hội có được, dù đó có thể là việc mà một số người cho là thấp kém. Kết quả là tôi đã có thể kiếm được việc để nuôi hai con”.

Viết lý lịch hấp dẫn

Đối với những người muốn tìm công việc hành chánh hoặc quản lý thì bắt buộc phải nộp bản lý lịch trình bày cách chuyên nghiệp. Nhưng dù tìm việc gì đi nữa, có một lý lịch chuẩn bị kỹ sẽ là một lợi thế lớn. Ông Nigel, một chuyên viên tư vấn việc làm ở Úc, cho biết: “Bản lý lịch cho các công ty tuyển dụng biết bạn là ai, bạn có những kinh nghiệm nào và tại sao họ nên tuyển bạn”.

Nên viết lý lịch như thế nào? Hãy cung cấp họ tên, địa chỉ, số điện thoại và địa chỉ E-mail. Nêu rõ mục tiêu của bạn. Cho biết trình độ học vấn, làm nổi bật những chương trình đào tạo và kỹ năng có liên quan tới công việc bạn muốn xin. Cung cấp chi tiết những kinh nghiệm làm việc trước đây, không chỉ gồm những công việc bạn đã làm, mà cả những mục tiêu bạn đã đạt được và những lợi ích bạn đã mang lại cho các công ty trước. Đồng thời nêu bật những khía cạnh trong công việc trước đây có thể giúp bạn đủ khả năng để đảm nhận công việc bạn đang xin. Cung cấp một số thông tin cá nhân cho biết tính cách và sở thích của bạn. Vì nhu cầu của mỗi công ty mỗi khác nên bạn có thể phải điều chỉnh bản lý lịch cho phù hợp với mỗi nơi.

Có nên viết lý lịch khi chưa có kinh nghiệm làm việc hay không? Có chứ! Nhiều điều bạn đã làm có thể được coi như là kinh nghiệm làm việc. Chẳng hạn, bạn có những sở thích như làm mộc hay sửa chữa xe cũ không? Có thể nêu ra những việc này. Bạn có bao giờ tham gia công việc tình nguyện chưa? Hãy kể ra những việc tình nguyện bạn từng làm và những thành quả bạn đạt được.—Xem khung “Bản lý lịch mẫu cho những người chưa có kinh nghiệm làm việc”.

Nếu không được một công ty nào đó mời phỏng vấn, hãy để lại một tờ giấy dày khổ nhỏ—tốt nhất là với kích thước 10cm x 15cm—đề tên, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ E-mail và vài dòng tóm tắt về kỹ năng và những thành quả của bạn. Nếu thích hợp, có thể dán hình của mình hoặc hình chụp chung với gia đình phía sau tờ giấy. Hãy phân phát giấy này cho tất cả những ai có thể giúp bạn tìm việc làm, và nhờ họ đưa cho bất cứ ai mà họ biết đang cần tuyển người cho loại công việc bạn đang tìm. Khi một người chủ nào đó nhìn thấy tờ giấy này, họ có thể mời bạn đến phỏng vấn—và biết đâu bạn sẽ có việc làm!

Viết lý lịch sẽ giúp bạn cảm thấy mình làm chủ được tình thế nhiều hơn khi tìm việc. Ông Nigel, được nói đến ở trên, cho biết: “Viết lý lịch giúp bạn sắp xếp ý tưởng và mục tiêu. Bạn cũng tự tin hơn vì việc này giúp bạn sẵn sàng trả lời một số câu hỏi có thể được nêu trong cuộc phỏng vấn”.—Xem khung nơi trang 7.

Chuẩn bị kỹ cho cuộc phỏng vấn

Cần chuẩn bị gì cho cuộc phỏng vấn? Có lẽ bạn muốn tìm hiểu về công ty mà bạn mong được làm việc. Càng biết nhiều về công ty đó, bạn sẽ càng tạo được ấn tượng tốt trong cuộc phỏng vấn. Việc tìm hiểu này cũng giúp bạn xác định xem họ có loại công việc mà bạn muốn hay không, hoặc bạn có muốn làm việc cho họ không.

Kế đến, hãy nghĩ tới trang phục mà bạn sẽ mặc cho cuộc phỏng vấn. Nếu tìm việc lao động chân tay, hãy mặc đồ thích hợp, gọn gàng, sạch sẽ. Đầu tóc và quần áo gọn gàng chứng tỏ cho người chủ biết bạn là người có lòng tự trọng và nhờ thế có lẽ họ sẽ nghĩ bạn cũng hãnh diện về công việc của mình. Nếu tìm việc văn phòng, hãy chọn trang phục khiêm tốn, được xem là thích hợp cho giới doanh nghiệp ở nơi bạn sống. Ông Nigel nói: “Hãy chuẩn bị sớm quần áo trước khi đi phỏng vấn để khỏi bị cập rập và tránh thêm phần căng thẳng một cách không cần thiết trước cuộc phỏng vấn”.

Ông Nigel cũng khuyên hãy đến trước giờ phỏng vấn khoảng 15 phút. Dĩ nhiên, đến quá sớm là thiếu khôn ngoan, nhưng đến trễ có thể rất tai hại. Các chuyên viên cho biết ba giây đầu của cuộc phỏng vấn rất quan trọng. Trong tích tắc đó, người phỏng vấn sẽ đánh giá diện mạo và phong cách của bạn, và ấn tượng đó sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến nhận xét của họ về bạn. Nếu đến trễ, bạn sẽ để lại ấn tượng rất xấu. Hãy nhớ rằng bạn sẽ không có cơ hội thứ hai để sửa lại ấn tượng ban đầu đó.

Cũng hãy nhớ rằng người phỏng vấn không phải là kẻ thù của bạn. Suy cho cùng, có thể trước đây ông ta cũng đi xin việc, vì thế ông ta biết tâm trạng của bạn. Thật ra, có thể ông ta cũng lúng túng vì chưa rành hoặc chưa được học cách thực hiện một cuộc phỏng vấn. Ngoài ra, nếu người phỏng vấn là người chủ, họ sẽ bị thiệt hại nhiều nếu tuyển không đúng người.

Để có một bắt đầu tốt, hãy mỉm cười và nếu bắt tay là phong tục địa phương, hãy nắm chặt tay người phỏng vấn. Trong cuộc phỏng vấn, hãy xoáy vào những gì người chủ cần ở bạn và những gì bạn có thể mang lại cho họ. Về những điều cần tránh, ông Nigel khuyên: “Tránh có những cử chỉ lúng túng hoặc tư thế lòng khòng—phong cách vững vàng thể hiện sự tự tin. Đừng tỏ ra quá thân thiện hay nói quá nhiều, và dứt khoát là không được dùng ngôn ngữ tục tĩu. Đồng thời cũng cần tránh nói những điều tiêu cực về chủ và đồng nghiệp cũ vì nếu bạn làm thế, người phỏng vấn có thể nghĩ là bạn cũng sẽ có suy nghĩ tiêu cực về công việc mới”.

Về những điều nên làm và nên nói trong cuộc phỏng vấn, các chuyên viên cho lời khuyên sau: Hãy nhìn thẳng người phỏng vấn, có cử chỉ tự nhiên khi nói và phát âm rõ ràng. Trả lời trung thực, chính xác các câu hỏi, và hỏi những điều có liên quan đến công ty cũng như công việc đang xin. Đến cuối cuộc phỏng vấn, nếu bạn vẫn thích công việc đó, hãy xin được vào làm. Điều đó sẽ chứng tỏ lòng nhiệt thành của bạn.

Nếu làm theo những đề nghị trên, bạn có thể sẽ sớm tìm được việc làm. Sau khi tìm được việc, bạn có thể làm gì để giữ công việc đó?

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *